Buổi tường thuật ở một thị xã

325

Thưa các bạn, nhóm phóng viên truyền hình chúng tôi đang đứng trước cổng của cung văn hóa thị xã, nơi chỉ một lúc nữa thôi, lễ trao giải Oscar, giải thưởng cao quý nhất của điện ảnh vùng này, sắp bắt đầu.

Bên phải chúng tôi là một nhóm khán giả đang gửi xe gắn máy. Mặc dù giá niêm yết là 2 ngàn đồng, nhưng nhân dịp này, nhân viên đã tăng giá lên 5 ngàn. Khi chúng tôi mang thắc mắc tới gặp ban tổ chức thì được khuyên hãy về làm đơn ra phường chứng nhận rồi sau đó sẽ chuyển tới cấp trên.

Bên trái chúng tôi là đám con phe đang giằng co với người đi đường. Họ bán năm trăm ngàn một cặp vé mời nhưng các bạn cứ bình tĩnh, để mở màn hãy mua sẽ còn rẻ hơn vé chính thức tại quầy.

Bên trong nhà hát, thưa các bạn, không khí cực kỳ sôi động. Trẻ con thì chạy đi chạy lại, thiếu nữ thì cắn hạt dưa còn bà già thì quạt phành phạch. Hai đôi nam nữ suýt đánh nhau vì trùng số ghế, sau đó phát hiện ra là một cặp đã cầm nhầm vé cải lương – một bộ môn rất gần gũi với điện ảnh của tối hôm sau. Các nhân viên phục vụ mặc quần áo sặc sỡ, mang kẹo cao su, xoài xanh, nước suối và bánh mì chạy tung tăng, rao ầm ĩ tạo ra một không khí vô cùng hoành tráng.

Đã đến phút mở màn. Sau phần múa minh họa của năm mươi vũ công có cầm cờ chạy ngang chạy dọc, ông trưởng ban tổ chức trịnh trọng bước ra. Ông lần lượt giới thiệu ba mươi quan chức, sáu mươi khách mời và mười tám đoàn đại biểu.

Sau đó, ông trưởng ban giám khảo lên đọc quyết tâm thư, hứa hẹn chấm công bằng. Cuối cùng, đại diện cho lớp nghệ sĩ tiêu biểu, nữ diễn viên Kiều Nguyệt Thư mới bốn mươi lăm tuổi lên đọc lời cám ơn.

Tiếp theo, ông chủ tịch thị xã lên đọc lời dặn dò, nêu bật tầm quan trọng của điện – ảnh. Ông nhấn mạnh năm điều, lưu ý bảy điều và nhắc nhở tám điều. Ông phân tích mối liên quan giữa điện – ảnh và chăn nuôi, điện – ảnh và cải tạo đất đai, điện – ảnh với việc xây dựng trạm xá. Ông nêu bật, nhờ có điện – ảnh mà tai nạn giao thông giảm hẳn, đường sá khang trang hơn và đặc biệt, dịch sốt xuất huyết đã bị thủ tiêu hoàn toàn vì bà con mải xem phim không ngủ nên muỗi không sao chích được.

Đúng mười một giờ đêm, lễ trao giải chính thức bắt đầu. Cả hội trường như choàng tỉnh dậy. Một số khán giả đã mò ra bãi giữ xe vội vàng quay trở về.

Các bạn thân mến. Lúc này nhóm phóng viên chúng tôi cũng vô cùng hồi hộp. Tranh giải Oscar của thị xã hôm nay có mười phim trong khi số giải là mười lăm nên điều bí hiểm là phim nào không được. Mười phim này, có tới sáu phim thuộc loại tối mật, nghĩa là ngoài đạo diễn và ban giám khảo ra, chưa ai nhìn thấy chúng. Nhưng không sao, nghệ thuật không phải khí trời, không phải ai cũng có quyền thở hít khi chưa được giáo dục cẩn thận.
Người dẫn chương trình đã bước ra. Anh này cực kỳ đẹp trai và nổi tiếng, nhưng cách đây mười năm phút vừa dẫn chương trình cho “Trò chơi uống sữa” nên áo vẫn còn dính vài thìa sữa bột. Anh tuyên bố:

– Giải Oscar về hóa trang thuộc về nghệ sĩ Ma ni Nga trong phim “Hồn lìa khỏi xác”.
Nữ nghệ sĩ bước ra trong tiếng vỗ tay vang dội. Cô cúi chào khán giả, run run cầm bức tượng bằng gỗ mạ vàng rồi nói:
– Tôi cám ơn chị Sáu mỹ phẩm chợ An Đông, công ty phấn Bông lúa, sạp son giả… Thái Lan. Cám ơn các nhà sản xuất đã tung ra nhiều đợt khuyến mãi giúp tôi mua được mỹ phẩm giá rẻ.

“Em-xi” tuyên bố tiếp – giải Oscar về quay phim thuộc về nhà quay phim Rôbe Tèo trong phim “Hội trường không một bóng người”.
Nhà quay phim bước ra, khóc:
– Tôi cám ơn các đám ma, đám cưới, lễ thôi nôi, thượng thọ… đã giúp tôi rèn luyện tay nghề. Tôi cám ơn xưởng in tráng đã không làm phim hư, tôi cám ơn sở điện đã không cúp điện khiến phim cất trong kho không bị mốc. Cuối cùng, tôi cám ơn cái máy quay cũ kỹ chạy suốt một tháng chỉ hỏng có bốn lần mà còn sửa được.

Giải Oscar cho nam tài tử xuất sắc nhất về tay Henri Lò trong phim “Chết cũng không xem”.
Henri Lò bước ra, hớn hở:
– Tôi cám ơn bà hàng cơm đã giúp tôi ăn chịu. Cám ơn ông chủ thuê nhà thiếu tiền sáu tháng vẫn chả đuổi đi tuy có cắt nước và điện để tối nay tôi phải tắm nhờ. Tôi cũng cám ơn tác giả kịch bản, viết thoại rắc rối tới mức tôi nói sai mười lần cũng không ai phát hiện ra. Cám ơn bệnh viện đã băng bó miễn phí cho tôi đóng phim gặp tai nạn và cũng cám ơn chiếc xe gây tai nạn là xe cũ nên chạy chậm. Cuối cùng, tôi cám ơn đạo diễn vì không chọn vai theo tài năng mà theo giá rẻ khiến tôi có cơ hội được đứng trước bục vinh quang hôm nay.

Tiếp theo, nữ diễn viên Vêra Di Di nhận giải Oscar vai nữ chính trong phim “Nếu hiểu chuyện gì thì đã muộn”. Cả hội trường vỗ tay. Nhưng chờ mãi không thấy Vêra Di Di xuất hiện. Ban tổ chức ấp úng xin lỗi, báo rằng cô trót nhận một sô tấu hài ở miền Tây nên về không kịp. Cô xin gửi lời cám ơn qua điện thoại di động và tặng giải thưởng này cho ông nội, bà nội, cha, mẹ, anh, em và Quỹ hòa bình thế giới.

Cuối cùng, giây phút chờ đợi nhất đã tới. Giải Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất thuộc về Mai Cơn Bo trong phim “Động tới tao là chết”.
Đạo diễn bước ra:
– Tôi cám ơn các bầu sô ca nhạc, các ông bà làm quảng cáo, các trung tâm karaoke đã giúp tôi việc làm để tồn tại tới ngày nay. Tôi cũng cám ơn nhiều đồng nghiệp thấy kịch bản dở nên không nhận khiến tôi còn cơ hội. Tôi cũng cám ơn các trùm băng đĩa lậu đã giúp phim được phổ biến, cám ơn cái tết khiến mọi người thích xem phim. Cám ơn các nhà báo đã lăng-xê hoặc đã đánh đập khiến dư luận chú ý. Cám ơn cải lương, cám ơn tấu hài đã khiến tôi học được nhiều thủ pháp tối tân. Tôi cám ơn khán giả đã dễ tính và cuối cùng cám ơn nhiều khán giả đã xem chương trình trực tiếp này mặc dù chả bao giờ xem phim.

Sưu tầm