Chuyện hy hữu ở cuộc thi ‘Đường lên đỉnh Olympia’

661

Sự việc chưa có tiền lệ này xuất phát từ khiếu nại của thí sinh Bạch Đình Thắng (Trường chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội) và sau nhiều cuộc tranh luận của các thầy giáo, chuyên gia về đáp án của một câu hỏi sinh học.
Cuộc thi quý III “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ chín.
VTV sẽ tốn hơn 5.000 USD tiền giải thưởng và hiện vật cho sự thay đổi kịch bản trận chung kết này.

“Cãi nhau” từ trường quay về nhà

Sự việc bắt đầu ngay tại trường quay S9 khi buổi ghi hình trận chung kết quý III kết thúc. Em Thắng cho rằng mình đã trả lời đúng câu hỏi về sáu hệ trong cơ thể người. Thầy Trần Hồng Hải, cố vấn sinh học của chương trình, cho rằng em chỉ trả lời đúng năm hệ. Hệ thứ sáu là hệ vận động chứ không phải hệ nội tiết như Thắng trả lời.

Để thuyết phục hơn, tổng đạo diễn Tùng Chi tiếp tục gọi điện thoại cho ba chuyên gia về y học là GS Nguyễn Việt Cồ – nguyên Viện trưởng Viện Lao và hai phó giám đốc bệnh viện lớn tại Hà Nội. Và cả ba vị này vẫn tiếp tục giữ quan điểm như ban cố vấn là “không thể cho điểm” và khẳng định: Chỉ có tuyến nội tiết chứ không có hệ nội tiết. Những lập luận bằng khoa học của các chuyên gia về y-sinh này được công khai ngay tại trường quay và ban tổ chức quyết định: Chiến thắng thuộc về thí sinh Hồ Ngọc Hân (Trường Quốc học Huế) với 275 điểm, còn thí sinh Bạch Đình Thắng nhận giải nhì và bị loại khỏi trận chung kết năm.

Kết quả tưởng đã quá rõ ràng nhưng sau đó một thời gian, VTV nhận được đơn khiếu nại của gia đình em Thắng, kèm theo cuốn sách Sinh học lớp 8 có ghi rõ: Hệ nội tiết là một trong các hệ của cơ thể người. Trước chứng cứ này, VTV đã phải mời ban cố vấn, các chuyên gia y-sinh lẫn ban biên soạn sách giáo khoa Sinh học lớp 8 để thống nhất đáp án. Cuộc tranh luận đã không thể ngã ngũ khi các bên đều bảo vệ quan điểm. Cuối cùng, VTV đã không phụ thuộc vào cuộc tranh luận của các chuyên gia mà có kết luận dứt khoát: Em Thắng học thế nào thì trả lời thế ấy và câu trả lời của em được chấp nhận!

VTV chơi đẹp

Thí sinh Bạch Đình Thắng – người đã phản biện thành công và xứng đáng dự trận chung kết năm.

Câu trả lời được công nhận rơi vào câu đặt ngôi sao hy vọng đã giúp Thắng có thêm 60 điểm, có tổng điểm bằng điểm với người chiến thắng. Tình huống bất ngờ này đã đưa VTV vào thế khó khi cuộc thi đã ghi hình, không thể thay đổi. Tuy nhiên, chiều 8/2 vừa qua, khán giả truyền hình đã được “khuyến mãi” thêm bảy phút phát sóng về cuộc “vượt chướng ngại vật” xuất sắc của nhà đài.

Không giấu giếm sự cố, VTV đã cho công khai toàn bộ diễn biến về khiếu nại của em Thắng, lập luận của các chuyên gia và kết luận sửa sai của ban tổ chức trên sóng VTV3. Theo đó, thí sinh Bạch Đình Thắng được công nhận là người đồng chiến thắng tại cuộc thi quý III. Thắng được nhận bù vòng nguyệt quế và phần thưởng 23 triệu đồng cùng một tivi 37 inch cho Trường chuyên Nguyễn Huệ. Đồng thời, Thắng sẽ cùng có mặt trong trận chung kết năm với thí sinh Hồ Ngọc Hân và ba thí sinh vô địch các quý khác.

Quyết định chưa từng có tiền lệ này đã làm hài lòng cả thí sinh lẫn khán giả truyền hình. Nhưng cũng đồng nghĩa với việc VTV phải vượt thêm rất nhiều “chướng ngại vật” sắp tới. Ông Trần Đăng Tuấn, Phó Tổng Giám đốc VTV, cho biết trước mắt, VTV và nhà tài trợ sẽ phải bù thêm hơn 5.000 USD tiền giải thưởng và hiện vật cho thí sinh… ngoài dự kiến ở trận chung kết. Nhưng cái khó nhất theo tổng đạo diễn Tùng Chi là sẽ phải thay đổi phần mềm vi tính lẫn kết cấu câu hỏi trong trận chung kết vốn chỉ dành cho bốn thí sinh. Và tất nhiên, kinh phí tổ chức cũng sẽ tăng lên khi phải tăng thêm ê-kíp cho điểm cầu truyền hình thứ năm tại Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) cũng như thời lượng sóng sẽ kéo dài.

Tuy nhiên, ông Trần Đăng Tuấn khẳng định VTV sẽ đảm bảo có một trận chung kết hoàn hảo bởi lẽ: “Dù chúng tôi đang rất đau đầu nhưng cái đó không quan trọng bằng việc em Thắng xứng đáng dự trận chung kết”.

Thầy Nguyễn Anh Tuấn, giáo viên Trường THPT chuyên Bắc Giang

Bài học về tính trung thực

Các em học sinh dự thi và xem cuộc thi quý III “Đường lên đỉnh Olympia” đã học được tính trung thực từ một cuộc chơi, không lấp liếm, sửa sai ngay khi phát hiện. Một cú “vượt chướng ngại vật” xuất sắc của những người thực hiện khi thể hiện tính khách quan và cầu thị. Tôi chỉ có băn khoăn nhỏ là một kiến thức phổ thông như vậy nhưng rất nhiều chuyên gia lẫn ban biên soạn sách giáo khoa tranh luận mãi mà chưa ngã ngũ!

Blogger Thạch Lão Gia: Cái được lớn nhất là tính phản biện

Vượt lên trên những kiến thức chương trình cung cấp, cuộc thi quý III năm thứ chín đã khuyến khích được các em học sinh nâng cao tính phản biện, biết bảo vệ cái đúng đến cùng bằng chứng lý khoa học. Đó là một bài học thực tiễn, vượt ra khỏi khuôn khổ giáo khoa trong nhà trường.

Theo Pháp Luật TPHCM