Lập trình cho trái tim bị cắt nhiều đoạn khi phát sóng

249

“Rất nhiều trường đoạn hay của phim bị cắt, cấu trúc phim bị băm nát để chèn quảng cáo. So với chất lượng ban đầu, Lập trình cho trái tim chỉ giữ được 40% tinh thần của kịch bản gốc”, nhà văn Nguyễn Quang Lập chia sẻ với Đất Việt.

– Lập trình trái tim đang là bộ phim gây chú ý đối với công chúng, tuy nhiên người xem luôn rơi vào cảm giác ức chế vì một số cảnh bị hẫng. Là người giữ vai trò biên kịch chính của phim, anh có ý kiến thế nào về việc này?
– Nói một cách sòng phẳng, Lập trình cho trái tim chỉ giữ được 40% tinh thần kịch bản gốc, một kịch bản mà biên kịch gạo cội Lê Phương từng dành lời khen tặng “kịch bản hay nhất năm 2007”. Nhưng khi phim công chiếu tôi không dám xem vì phim bị cắt đi rất nhiều đoạn so với bản phim gốc, thậm chí những đoạn hay nhất đều bị cắt để chèn quảng cáo.

– Nghĩa là những đoạn hẫng trong “Lập trình cho trái tim” do nhà đài cắt chứ không phải do đạo diễn và biên kịch không hiểu ý đồ của nhau?
– Trong quá trình dựng phim, có một số điểm khiến tôi không hài lòng, đặc biệt những phần đầu của phim. Tuy nhiên, những điểm này trong các tập sau được khắc phục dần. Nhưng việc cắt phim, làm mất một số trường đoạn của phim gây cảm giác hụt hẫng với khán giả là do nhà đài tự ý cắt bỏ. Đạo diễn là những người làm nghề họ hiểu được cấu trúc kịch bản nên họ có thể chỉ thay đổi chi tiết, lời thoại chứ không bao giờ phá vỡ cấu trúc.
Cắt cúp là tình trạng chung của công chiếu phim truyền hình. Quảng cáo rất tốt, trong một chừng mực nào đó thì quảng cáo đem lại cho phim sự nổi tiếng. Nhưng nếu không quan tâm đến cảm giác của khán giả mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận, thì cắt bỏ và thay đổi cấu trúc phim vì quảng cáo không ổn. Có những phim cắt và bỏ đi nhiều chi tiết khiến khán giả ngỡ ngàng, tại sao tác giả lại xử lý tình tiết này ngây ngô đến thế. Chính cách làm đó khiến cấu trúc các tập phim của tôi bị phá nát hết cả.
Tôi rất bất bình với thực tế công chiếu phim truyền hình của ta hiện nay, phim nào càng hay càng dễ bị nhà đài làm hỏng. Theo đó, phim càng làm hay càng dễ bị khán giả “đấu tố”.
– Từ thực tế này, theo anh biên kịch có thể rút ra kinh nghiệm gì trong việc xây dựng các kịch bản phim truyền hình?
– Không có cách nào cả. Vì sự sống còn của một tập phim là cấu trúc. Tập phim 30 phút phải có cấu trúc khác một tập phim 45 phút.
Đối với tôi, viết kịch bản một tập phim nhất định phải tuân thủ theo cấu trúc ba hồi. Điều này không phải do tôi phát minh ra mà là cách làm phổ biến trên thế giới. Nếu các tập phim tuân thủ chặt chẽ theo cấu trúc đó, khi bị cắt đi một phần nào đấy tự nhiên giống như thằng cụt chân, cụt tay
Vì thế, khi truyền nghề cho các học trò của mình tôi hướng đến việc đào tạo cho ra những biên kịch biết cách công nghiệp hóa trong vận hành kịch bản. Đó cũng là lý do Lập trình cho trái tim được viết bởi nhiều người nhưng vẫn đảm bảo đó là một kịch bản có chất lượng. Nguyên tắc đầu tiên của biên kịch, theo tôi, là phải làm sao cho bộ phim đứng được. Nhưng nếu không nắm được cấu trúc, dù phim nhiều chi tiết lại hóa thành dở. Bởi có những chi tiết đáng ra phải thổi phồng lên anh lại làm cho nó xẹp đi và ngược lại.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập rất ngạc nhiên vì đa phần các biên kịch của VN thành công được nhờ vào sự may rủi.  Ảnh: Kim Sen
– Nhiều biên kịch cho rằng, sự thiên phú về khả năng văn chương đã giúp họ dễ thành công hơn trong vai trò một biên kịch và Nguyễn Quang Lập cũng không là một ngoại lệ. Anh nghĩ sao về nhận xét này?
– Tôi khẳng định viết văn và viết kịch bản là khác nhau. Văn chương thành bại tùy thuộc vào cảm xúc, chi tiết, tính tư tưởng. Kịch bản lại đề cao tính công nghệ.
Tôi rất ngạc nhiên vì đa phần nhà biên kịch của ta không quan tâm nhiều đến cấu trúc kịch bản, mà dành nhiều sự quan tâm cho chi tiết, nhân vật, tính tư tưởng. Vì thế, những biên kịch của ta nổi tiếng được phần nhiều dựa vào sự may rủi hơn là do biết viết kịch bản một cách chuyên nghiệp. Và hệ quả là chúng ta đang thiếu những biên kịch chuyên nghiệp.
– Vậy lý do nào khiến một biên kịch có tài năng và cầu tiến như anh, trong thời điểm này không tiếp tục dạy nghề mà lại chuyển hướng về viết văn?
– Đúng là nghề kịch bản hiện đang là nghề rất “hot”, tôi nhận được nhiều lời mời đi dạy nhưng tôi từ chối, vì tôi còn nhiều dự định phải làm. Mặt khác, tôi cũng mệt rồi. Bởi vì chỉ dạy để kiếm tiền thì rất dễ, còn dạy cho ra một nhà biên kịch lại vô cùng vất vả. Mà tôi không phù hợp với tiêu chí kiếm tiền nên tôi cũng chẳng quan tâm là cái gì “hot”, cái gì không “hot”. Vì thế, tôi rút lui để làm những việc khác cho riêng mình. Cũng có thể Nguyễn Quang Lập có những dự án dễ kiếm tiền hơn thì sao, cứ nghĩ như thế cũng được.
– Trong thời điểm các nhà làm phim bó tay vì sự cắt cúp của nhà đài, anh cũng đang rất thành công với những tác phẩm văn chương được in từ mạng. Tại sao anh không đưa lên blog những kịch bản phim để khán giả qua đó có điều kiện đối chiếu hoặc được tìm hiểu chi tiết hơn về những phim anh làm?
– Tôi cũng đã thử nhưng điều này không mang tính khả thi. Có hai lý do, trước hết, kịch bản sân khấu hay kịch bản phim thường có dung lượng lớn hơn nhiều so với một truyện ngắn, vì thế sức chứa của blog không đủ. Thứ nữa, vì tác phẩm quá dài không phù hợp với bạn đọc mạng.
Trong khi có thể chia nhỏ một tiểu thuyết để post dần lên mạng, nhưng nếu chia nhỏ một kịch bản lại là việc không thể làm. Bởi vì, đối với một kịch bản, điều quan trọng là phải bảo toàn tính thống nhất, liên mạch của tác phẩm. Chưa kể, thói quen của công chúng đối với kịch hay phim là xem nó bằng ngôn ngữ của chính nó hơn là đọc kịch bản thô.

Theo: Kim Sen – Báo Đất Việt


Demo một cảnh quay bị cắt trong phim : Cuộc thi chóng đẩy mở rộng