Người Việt tạo ra “mỹ nhân máy” có cảm xúc đầu tiên trên thế giới

266

Nhiều báo nước ngoài hôm 12/12 đồng loạt đưa tin về sự ra đời của Aiko, một “cô gái máy” với khuôn mặt quyến rũ nhất từ trước tới nay. Và quan trọng hơn, “cô gái” này do một người Canada gốc Việt, nhà khoa học có tên Lê Trung, tạo ra.

Rô bốt kiều diễm

Cô gái bận áo hồng, váy đen, ngồi yên lặng trên ghế bên cạnh Lê Trung, trong khi anh gõ lia lịa vào chiếc máy tính xách tay. Sau một khoảng thời gian, Trung ngừng lại và ghé mắt nhìn về phía cô gái có cái tên dễ thương Aiko. Cô gái sắp nói điều gì đó.

“Bên ngoài, nhiệt độ là -2 độ” – cô gái cất tiếng, âm sắc thật nhẹ nhàng. “Vẫn có chút chậm trễ, bộ pin của cô ấy hình như chưa được sạc đầy” – Trung phân trần với phóng viên tờ Globe & Mail của Canada về phản ứng của cô gái – rô bốt Aiko.

Trung cho biết anh đã mê mẩn rô bốt từ năm lên lớp 3. Ban đầu Trung định chế tạo một rô bốt giúp việc để phục vụ người già. Ý tưởng của Trung dựa trên mẫu rô bốt C3PO với hình dáng xấu xí trong phim Star Wars.

Nhưng rồi mọi chuyện đi chệch hướng. Aiko hiện nay mang hình hài của một thiếu nữ 20 tuổi, vô cùng trẻ trung, xinh đẹp.

Nhà khoa học 33 tuổi này đang theo đuổi một giấc mơ: xây dựng nên một người bạn đời bằng máy hoàn hảo.

Để thực hiện ước mơ, Trung hiện đang tích cực nghiên cứu và hoàn thiện Aiko trong căn nhà của cha mẹ anh ở Brampton, Ontanio.

Người bạn đời hoàn hảo

Kể từ khi bắt đầu tới nay, Aiko đã tiêu tốn của Trung khoảng 24.000 USD. Anh đã sử dụng hết ba thẻ tín dụng và đã ở trong tình trạng thất nghiệp suốt 3 tháng qua.

Tất cả chỉ vì Aiko. Và công sức của Trung đã được đền đáp xứng đáng

Aiko, cao 1,52 m với các số đo 3 vòng: 82-60-84, hiện nặng khoảng 32kg.

Phần thân ngoài của rô bốt này làm hoàn toàn từ silicone để có làn da như thật.

Lê Trung bên cạnh cỗ máy đẹp đẽ của anh.

Aiko có các thiết bị cảm biến ở tất cả các điểm quan trọng trên cơ thể. Qua đó và nhờ các thiết bị khác, Aiko là người máy đầu tiên bắt đầu có cảm xúc như người.

Chẳng hạn “người đẹp máy” này biết đau khi bị đánh, biết nhột khi bị cù.  

Rô bốt này cũng có một máy ghi hình ở cổ. Các thiết bị cho phép cô gái máy này phản ứng với các va chạm, các biểu tượng hình ảnh và mệnh lệnh âm thanh.  

Dù sao Aiko vẫn chỉ là một cô rô bốt giá rẻ, theo đúng nghĩa. Quần áo của cô được tạo ra đồ thừa của mẹ Trung và một số bộ phận như ngón tay vẫn được làm từ giấy bồi.  

Nhưng những tiểu tiết này không làm giảm sức quyến rũ của Aiko. “Mẹ tôi chải tóc cho Aiko vào mỗi buổi sáng. Cô ấy giống như đứa con gái mà mẹ tôi chưa bao giờ có” – Trung nói.  

Để xây dựng hệ thống phần cứng nền tảng của rô bốt, Trung chỉ tốn có một tháng rưỡi. Nhưng anh đã mất hơn một năm trời để xây dựng phần mềm và cho tới nay bộ phần mềm vẫn chưa hoàn thiện.  

Phần mềm của Trung mang tên Hệ thần kinh nhân tạo rô bốt sinh trắc học (BRAINS).

Phần mềm này giúp Aiko có thể nhận dạng và ghi nhớ khuôn mặt với tốc độ 300 khuôn mặt/giây.  

Aiko còn có thể xác định các loại thuốc, đo đếm thời tiết, và thậm chí là cả phết bơ lên bánh mì nướng.

Trung cũng đã dạy Aiko cách đọc sách báo và làm toán cơ bản. Trước mặt phóng viên, anh giơ lên một trang truyện tranh đã được in phóng thành khổ to và yêu cầu Aiko đọc một đoạn trong đó.  

Kết quả, cô rô bốt đã đọc trôi chảy và chỉ vấp đúng một lỗi.”Cô ấy phát âm từ tôi chưa dạy” – Trung phân trần. Hiện Aiko đã biết được 13.000 câu, chữ trong tiếng Anh và tiếng Nhật.  

Trung tin rằng rô bốt này sẽ đặt những viên gạch đầu tiên cho loại rô bốt mang hình người (humanoid) có khả năng trợ giúp tại các bệnh viện, nhà dưỡng lão và thậm chí là cả các sân bay.  

Cơ hội ứng dụng rộng lớn

Hiện Trung đang tích cực tìm kiếm nhà tài trợ, giúp anh có thể tiếp tục phát triển Aiko.

Tuy nhiên trong khi muốn biến Aiko trở nên người hơn, Trung khẳng định anh không có ý định sẽ thay thế vĩnh viễn một người bạn đời bằng cô gái máy này. “Tôi rất gắn bó với Aiko, nhưng tôi có ngủ với cô ấy không? Không hề” – Trung nói.

Hiện nay việc phát triển các rô bốt nội trợ như Aiko đang thu hút được rất nhiều sự chú ý ở Canada, theo như nhận xét của David Vương, một giáo sư và chuyên gia về rô bốt tại Đại học Waterloo.

Các rô bốt mang hình dáng người còn thu hút nhiều sự chú ý hơn ở Nhật Bản, nơi tình trạng già hóa dân số đang ngày càng gia tăng.

Theo giáo sư Vương, việc phổ biến iRobot Roomba, một cỗ máy hút bụi tự hành, ở Canada, là một ví dụ cho thấy các rô bốt nội trợ đã được sử dụng khá sớm ở Bắc Mỹ.

“Những người không thích loại rô bốt này có thể phàn nàn rằng nó lau dọn không tốt. Nhưng những người thích thú thì đánh giá đây là một thiết bị thật tuyệt” – Vương nhận xét – “Mọi chuyện cũng sẽ như vậy đối với các rô bốt mang hình dáng phái đẹp”.  

Được biết mục tiêu lâu dài của Trung là giúp Aiko có thể đi được. Nhưng việc đó có thể ăn vào hầu bao của anh thêm vài ngàn USD nữa.  

Giai đoạn này sẽ chỉ diễn ra khi Trung tìm kiếm được nhà tài trợ. Còn hiện tại, Trung tạm hài lòng với những gì mình đang có. “Cô ấy có thể làm việc 24 giờ/ngày, không nghỉ, không lương và không một lời phàn nàn” – Trung pha trò – “Chừng đó là quá đủ cho một cỗ máy tự tạo”.

Theo Thể thao & Văn hóa