(ANTĐ) – Phải vượt qua những con dốc ổ gà, ổ voi của địa phận huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình, chúng tôi mới đến được với các bản xa nhất của xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì (Hà Nội). Những cây cầu bắc qua suối mặc dù vào mùa khô nhưng nước vẫn ngập qua mu bàn chân như bắt đầu nói lên những khó khăn cho việc gieo con chữ ở vùng cao giáp ranh của Thủ đô.
Bà Nguyễn Thị Tuyết khó khăn lắm mới viết được tên mình
23 tuổi nhưng… không biết chữ
Để đến được những bản lẻ nằm sâu trong dãy núi Ba Vì của xã Khánh Thượng, chúng tôi phải gói đồ đạc cẩn thận rồi chân đất leo qua những con dốc đầy sỏi đá. Nếu không có các đồng chí công an viên của xã dẫn đường, một ngày chưa chắc chúng tôi đã đến được với những bản này.
Từ trung tâm xã đến các bản Bóp hay bản Mít cũng mất nửa ngày trời, bởi đến các bản này chỉ có một con đường duy nhất đi qua huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình. Đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết ở bản Mít – một bản khá hẻo lánh nằm lưng chừng núi Ba Vì khi mặt trời đã khuất sau dãy núi, khói bắt đầu lan tỏa trên những căn nhà trát vách.
Bà Tuyết đang xếp những viên gạch vừa mua về để chuẩn bị xây nhà. Bà nhớ lại: “Tôi chỉ học hết lớp 1, nhà thiếu ăn không có người làm nương rẫy nên bố mẹ cũng không cho đi học”. Chúng tôi hỏi, chỗ gạch gia đình vừa mua về là bao nhiêu viên? Bà Tuyết buồn: “Tôi cũng chẳng biết bao nhiêu viên, nhờ anh em mua hộ nên tôi chỉ biết xếp gọn thành từng hàng thôi”.
Chúng tôi đùa: Thế khi bán con lợn, con gà người ta tính thiếu thì làm sao để biết được? Bà Tuyết cười: “Mỗi lần như vậy tôi lại chạy đi nhờ anh em hoặc hàng xóm đến tính hộ”. Cả gia đình bà có 5 người con thì cả 5 đều học dở dang, người thì học hết lớp 3 rồi bỏ, người thì hết lớp 4. Ngay cả đến việc viết họ tên đầy đủ của mình bà cũng gặp khó khăn.
Rời bản Mít chúng tôi đến bản Bóp, anh Đào Xuân Tùng, năm nay 23 tuổi, cũng trong tình trạng viết không thể, đọc cũng không xong vừa rót chén trà mời chúng tôi vừa tâm sự: “Cũng khó khăn lắm các anh ạ! Có việc gì liên quan đến tính toán và ký tên, tôi chạy đi nhờ nhà cô ở bên cạnh đến tính giúp”. Khi hỏi ra mới biết anh là người mù chữ hoàn toàn, ngay cả đến tên mình cũng không viết được.
Chúng tôi hỏi nếu có lớp học xóa mù chữ thì anh có đi học không? Suy nghĩ một hồi lâu anh Tùng nói: “Nhiều khi cũng thấy khổ lắm, việc lo cuộc sống từng ngày đã đủ mệt mỏi, còn đâu tâm trí để học cái chữ ”. Gia đình anh có cả thảy 5 người trong đó có 2 cháu còn nhỏ. Mỗi khi bán thứ gì đó, anh đều phải đi nhờ anh em họ hàng hoặc những người hàng xóm đến tính toán giúp. Ngay cả đến việc kết hôn, vợ chồng anh cũng điểm chỉ vào bản đăng ký chứ không viết được tên.
Để đến được trường học các em học sinh phải vượt qua quãng đường đầy khó khăn
Muốn đến trường phải lội qua 9 con suối
Nói về khó khăn trong việc “gieo chữ” thì không nơi nào ở miền núi phía Bắc là không có. Nhưng đối với xã vùng cao giáp ranh của Thủ đô, có thể nói Khánh Thượng được coi là nơi khó khăn nhất. “Đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc Mường ở đây còn nhiều khó khăn, vất vả, nhiều nơi còn thiếu ăn, nên việc kiếm kế sinh nhai đã khiến họ quanh năm bán mặt cho nương rẫy, bán lưng cho trời, còn đâu tâm trí để mặn mà với con chữ ở trường” – Phó Chủ tịch xã Nguyễn Trung Thành dẫn chúng tôi đi thăm một số bản lẻ của xã vừa mở đầu câu chuyện về giáo dục của xã mình.
Cả xã Khánh Thượng có hơn 7.000 nhân khẩu, 95% là đồng bào dân tộc Mường, đời sống của bà con chủ yếu dựa vào nương rẫy, ở cái vùng núi dốc dựng đứng việc trồng được củ sắn, củ khoai để ăn còn rất khó, chứ nói gì đến việc đi học lấy cái chữ. Quả thật, những ai đã từng đến xã vùng cao này mới thấy hết được những khó khăn, vất vả mà người dân ở đây đang phải trải qua.
Việc lo từng bữa ăn hàng ngày khiến họ chẳng còn mặn mà với con chữ. Còn đối với học sinh tiểu học ở bản Bóp thì việc đến trường là những ngày vật lộn với muôn vàn khó khăn. Những con đường ổ gà, ổ voi, nếu không nắm chắc tay lái xe đạp, sẽ bị hất văng xuống đường. Vậy mà hàng ngày các em vẫn phải vượt qua để đến trường học lấy cái chữ.
Ngoài vấn đề kinh tế, địa hình núi cao, giao thông đi lại khó khăn, khiến việc gieo chữ ở các vùng cao này càng trở nên khó khăn hơn. Đối với những học sinh tiểu học ở bản Bóp và bản Mít, để đến được trường học các em phải lội qua 9 con suối, với quãng đường gần 8km.
Cả bản chỉ có một con đường duy nhất này dẫn đến trường Tiểu học Khánh Thượng B. Anh Đặng Văn Toàn – công an viên của xã Khánh Thượng tâm sự: “Nhà báo lên đây vào mùa này là may đấy, chứ vào hôm mưa, nước trên núi lũ xuống thì học sinh lại phải nghỉ học, đến người lớn cũng không dám đi chứ nói gì đến học sinh 10 tuổi”.
Để khắc phục tình trạng mù chữ và tái mù chữ ở Khánh Thượng hiện nay rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp và chính quyền địa phương, để những người mù chữ được tiếp cận với cái chữ, giúp họ hòa nhập với cộng đồng, ổn định hơn trong cuộc sống và xây dựng quê hương giàu đẹp.