Cử nhân đi học lại  

275

Một sự thật đáng buồn, ai cũng biết nhưng không thể làm gì, ai có thể thay đổi được “vận mệnh” của sinh viên khi ra trường. Vấn đề này sẽ còn tiếp diễn trong bao lâu ?
Bài báo này mang tính thời sự nóng bỏng, hãy đọc và bình luận.

thất nghiệp

Nhiều sinh viên (SV) đã phải đi học thêm để mong ra trường kiếm được việc làm, bởi những kiến thức tối thiểu mà lẽ ra họ phải được trang bị đầy đủ lại không được học ở trường ĐH.

Học mà không hành

Học trong điều kiện không được thực hành hoặc các thiết bị thực hành đã quá cũ và lạc hậu là những gì đang diễn ra đối với SV một số trường ĐH của Việt Nam.

Thiết bị của thế kỷ trước

Là một trong những trường ĐH lớn và đi đầu trong đào tạo khoa học công nghệ nhưng SV trường ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn phải học những thiết bị đã “thọ” trên 50 năm tuổi. Tại ban tiện (khoa cơ khí) của trường có 12 máy chủ yếu là của Liên Xô cũ sản xuất từ năm 1959 – 1974. Trong số này có 5 máy hỏng, 7 máy còn lại chỉ có 3 máy có thể làm được đủ các bài thực hành, 4 máy khác chỉ hoạt động cầm chừng với một số thao tác nhất định nên nhiều SV “tập kết” tại một máy. Một SV của trường cho biết, mỗi lần xuống xưởng, dù để thực hành nhưng SV chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” là chủ yếu. “Máy hỏng giữa chừng, SV phải nghỉ là chuyện vẫn thường xảy ra”, SV này chia sẻ.

Tại khoa Điện của ĐH Bách khoa cũng có nhiều xưởng máy cũ, động vào là hỏng. Tại khoa Công nghệ hóa học, các phòng thí nghiệm phục vụ cho các thí nghiệm cơ sở ngành đều được trang bị từ những năm 50 thế kỷ XX. Hiện tại chỉ đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của công tác hướng dẫn thí nghiệm. Có trường hợp thiết bị hỏng hóc không tìm được linh kiện để thay thế dẫn đến tình trạng SV phải nghỉ thí nghiệm hoặc tự nghiên cứu và xử lý các bộ số liệu mẫu mà không được trực tiếp thực hành thí nghiệm.

Một số cán bộ của nhà trường cũng thừa nhận phòng thí nghiệm của SV trường ĐH Bách khoa hiện nay, trừ những phòng thí nghiệm trọng điểm và đầu tư tập trung, thì phần lớn các phòng thí nghiệm khác các thiết bị đã cũ và lạc hậu, không đảm bảo thông số kỹ thuật vận hành để sử dụng cho thí nghiệm và không còn phù hợp với sự phát triển của ngành đào tạo. Đã thế phòng nào cũng nhỏ bé, chật chội và không có sự “liên thông” giữa các ngành khiến SV “người dùng không hết, người tìm không ra”.

Cắt thực hành do thiếu kinh phí

Tại trường ĐH Xây dựng, SV cũng đang phải chịu cảnh tương tự như SV một số trường khác. Có nhiều máy thực hành của trường đã quá cũ như máy nén bê-tông được tặng từ năm 1957 – 1958. Không những thế, để thực hành môn vật liệu cơ khí, vật liệu kim loại, SV phải sang trường ĐH Bách khoa thực hành thuê. Do điều kiện cơ sở vật chất không đủ, các phòng thí nghiệm của trường hầu như sử dụng với tần suất 100%. SV muốn thực tập phải đăng ký theo ca sáng – chiều ở phòng đào tạo. Có những bài, trước đây chỉ có 5 SV làm 1 thí nghiệm, hiện nay, con số này là 10 – 15 SV để tiết kiệm vật liệu. Việc cắt bớt bài thí nghiệm là chuyện có thật tại trường này do thiếu kinh phí. Ví dụ môn vật liệu cơ khí, vật liệu kim loại khi thí nghiệm phải thuê các thiết bị của trường ĐH Bách khoa. Khi giá thuê tăng lên, nhà trường buộc phải cắt bớt bài thí nghiệm. Môn học này có 6 bài thí nghiệm, tương đương 1/2 tín chỉ. Nhưng để giảm bớt chi phí, SV chỉ còn được làm 3 bài thí nghiệm.

Máy thực hành… cấm “sờ”

Không phải SV các trường đều học “chay”. Có nhiều trường, các thiết bị máy móc thực hành đều được đầu tư rất hiện đại. Tuy nhiên, hiện đại không có nghĩa là SV sẽ “sướng”. Một SV năm thứ 4, Học viện Kỹ thuật quân sự cho biết các phòng thí nghiệm thực hành đều được trường đầu tư hiện đại. Cũng chính vì hiện đại mà SV đến thực hành chỉ được thực hiện “rập khuôn” 100% các thao tác thầy đã làm. Bước chân vào phòng máy, SV bị thầy “bật đèn đỏ”: máy đắt lắm, các anh chị cấm sờ. Hỏng hóc không đền được. Cũng vì thế mà các SV hầu như không phải thi lại môn thực hành vì đều được thầy cho qua.

Cái cần thì ít dạy
Những kiến thức để áp dụng cho công việc trong tương lai thì không được học, ngược lại những môn không bao giờ “sờ” tới thì SV vẫn phải học đến năm thứ 3, thứ 4…
            
             Nhiều môn “vô thưởng vô phạt”
            
Tốt nghiệp khoa C&o
circ;ng nghệ thông tin (CNTT) ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2009, hiện N.Q.Minh đang làm việc ở ĐH Sư phạm Hà Nội. Nhưng từ năm thứ 2, Minh đã tìm cho mình khóa học tại một trong những trung tâm đào tạo CNTT của nước ngoài mở tại Hà Nội. Lý giải điều này, Minh cho biết, những môn học ở trường chỉ mang tính hàn lâm, trí tuệ nên nếu không học thêm thì khó mà biết làm.
            
Theo Minh thì ở trường có nhiều môn học thuộc dạng “vô thưởng vô phạt” không dính dáng đến CNTT như: Vật lý, Hóa học, đặc biệt là môn Kỹ thuật nhiệt, nhưng SV vẫn phải học theo kiểu đối phó và “chết như ngã rạ”. Trong khi đó, những môn học cần cho chuyên ngành thì mãi đến năm cuối, SV mới được học.
            
Đã thế, có những môn quan trọng thì lại được học rất ít. Ví dụ: môn lập trình C thì chỉ được học 5 học trình và chỉ được thực hành 1 buổi. Các môn chuyên ngành, Minh chỉ được thực hành tổng cộng khoảng 13 buổi.
            
Công nhận là giáo trình trường mình “xịn” (nhập từ Mỹ) nhưng H.S.Tùng, SV khoa CNTT năm thứ 3 ĐH Thủy lợi cho rằng để “bổ túc” kịp thời kiến thức về công nghệ, Tùng phải tìm đến các khóa học sơ cấp bên ngoài. Tùng thừa nhận ở trường dạy lý thuyết nhiều hơn thực hành. Không những thế, những tiết thực hành SV cũng chưa được hướng dẫn nhiều để có thể đảm bảo là làm việc được ngay khi ra trường.
            
Việc SV ngành công nghệ phải đi học thêm không phải ít, đặc biệt là SV ngành CNTT. Theo khảo sát của Trung tâm Aprotrain Aptech tại Hà Nội, trong 1.500 học viên đang theo học có tới 40% đang là SV các trường ĐH, CĐ. Tại FPT Arena thì có tới 60% học viên theo học là SV các trường ĐH, CĐ.
            
             Không học thêm bên ngoài thì sẽ không biết gì
            
Đến các trung tâm dạy ngoại ngữ có thể thấy 99% người học là SV của các trường ĐH, CĐ. Khi được hỏi vì sao lại phải đi học thêm? Câu trả lời là nếu không học thêm sẽ không biết gì vì ở trường dạy môn học này rất “tậm tịt”.
            
Một SV của ĐH Bách khoa cho biết: hiện nay SV ra trường phải biết và sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ, thế nhưng ở trường dạy rất ít. Ví dụ môn Tiếng Pháp SV chỉ được học 1 kỳ rồi thôi. Môn Tiếng Anh thì được học với thời lượng chỉ có 10 tín chỉ và chỉ được học trong hai năm đầu nên ra trường là quên ngay. Không chỉ có vậy, điều kiện học ngoại ngữ ở trường cũng không đảm bảo khiến SV không thể tiếp thu được. Đó là tình trạng lớp học quá đông. Từ năm thứ 2 khi chuyển sang chuyên ngành, có lớp học tới gần 100 SV. Thiết bị chính để phục vụ kỹ năng nghe trong giảng dạy là cái cassette thì cũng không đủ thậm chí là đã cũ và hỏng liên tục nên hầu như SV chỉ học chay.
            
Tình trạng được học ít và không đảm bảo chất lượng diễn ra ở không ít trường ĐH. Ở một số trường còn không dạy đúng môn Tiếng Anh chuyên ngành cho SV nên hầu hết họ phải tự học. Một SV ngành CNTT trường ĐH Thủy lợi cho biết: ở trường em không được học môn Tiếng Anh chuyên ngành do trường chưa có đủ giáo trình cho môn học này. Vì thế muốn học được, kiểu gì cũng phải đi học thêm. Một SV năm thứ 4 chuyên ngành điều khiển tự động của Học viện Kỹ thuật quân sự cũng cho biết: SV chỉ được học ngoại ngữ chuyên ngành có 2 đơn vị học trình (tương đương với 30 tiết học) nên nếu SV không tự học thì sẽ không biết gì.

 Vũ Thơ – Hà Vi (Báo Thanh Niên Online)